Tín dụng BĐS đang hướng đến nhu cầu thực
Trong đó, các gói tín dụng ưu đãi mua nhà cho các đối tượng chính sách cũng là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng vào BĐS tăng.
Đánh giá về thị trường BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS năm 2017 đang có sự phân hóa mạnh mẽ nhờ sự thay đổi rõ nét về hạ tầng và bán lẻ. Cùng với đó, nhiều người dân có nhu cầu thực về nhà ở đã khiến nhu cầu ngày càng tăng lên, kéo theo nhu cầu vay vốn từ ngân hàng cũng tăng theo.
Thị trường BĐS thời gian vừa qua đã có nhiều khởi sắc, nhiều dự án được tiếp tục triển khai và khởi công mới nên lượng vốn đổ vào đây đã tăng và thị trường có dấu hiệu ấm lên, lượng giao dịch BĐS tăng, đặc biệt tại phân khúc nhà đầu tư bán trực tiếp tới người tiêu dùng, không qua trung gian, nên các tổ chức tín dụng có thể kiểm soát được dự án có sản phẩm. Vì vậy cũng hạn chế tình trạng bong bóng BĐS và phát sinh nợ xấu.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, dòng tiền từ ngân hàng đổ vào BĐS trong những tháng đầu năm 2017 có nhiều thay đổi. Nguồn tín dụng cho vay chủ yếu được tập trung vào việc vay để mua, sửa chữa nhà cửa… Các khoản tín dụng này thường được đảm bảo trả nợ bằng tiền lương, bằng thu nhập thường xuyên, ổn định nên không đáng lo ngại về khả năng làm tăng nợ xấu.
Nhiều ngân hàng đang hướng gói hỗ trợ tín dụng cho người vay có
nhu cầu thực về nhà ở
Đặc biệt, nhiều ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân có nhu cầu thực về nhà ở. Bên cạnh hoạt động tài trợ vốn cho các dự án và hỗ trợ vốn vay, bảo lãnh cho người mua nhà, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình thu hút người vay để dùng cho việc sửa chữa nhà, kinh doanh nhỏ lẻ (thực chất là cho vay BĐS với tài sản thế chấp là nhà đất). Đồng thời, cũng cho vay đối với các dự án mà ngân hàng có liên kết, những dự án có đầu ra tốt.
Bên cạnh đó, các dự án BĐS có xu hướng liên kết với các ngân hàng để cung cấp các sản phẩm trọn gói, giúp khách hàng yên tâm có nguồn tài chính hỗ trợ việc mua nhà.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Thực tế, tín dụng BĐS thời gian qua chủ yếu phục vụ nhu cầu thật trong việc mua bán nhà để ở chứ không phải đầu tư vào kinh doanh BĐS. Trong đó, các gói tín dụng ưu đãi mua nhà cho các đối tượng chính sách cũng là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng vào BĐS tăng.
Với dòng tiền từ các ngân hàng đầu tư vào BĐS cũng đã được kiểm soát chặt chẽ và đặc biệt là ngành Ngân hàng đang thực hiện những gói cho tín dụng chính sách, hướng tới người có nhu cầu về nhà ở thực sự và có nguồn thu nhập ổn định thì trong tương lai sẽ không có hiện tượng nợ xấu phát sinh từ các dự án BĐS kém hiệu quả
Leave a Reply